Dự chương trình có ông Vũ Công Hội - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam; Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam; ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh; ông Đinh Công Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương; các ông, bà thành viên Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương; lãnh đạo một số phòng, ban, ngành của huyện; lãnh đạo xã Trần Hưng Đạo cùng các đoàn tham gia thực hành nghi lễ và hát Chầu văn, nhân dân và du khách thập phương.
Các đại biểu dự lễ khai mạc
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đinh Công Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương nhấn mạnh: trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh có sức sống mạnh mẽ trong đời sống nhân dân, được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận, giúp gắn kết cộng đồng, mang nhiều nét nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp của dân tộc. Thực hành Nghi lễ và hát Chầu văn với những giai điệu đặc sắc của hát văn cũng như diễn xướng độc đáo của các nghệ nhân, thanh đồng giúp mọi người hiểu sâu hơn giá trị của loại hình nghệ thuật này trong đời sống tín ngưỡng, văn hoá tinh thần của nhân dân. Đồng thời, thông qua chương trình giúp huyện Lý Nhân khẳng định được vị thế của mình trong sự tồn tại của loại hình nghệ thuật hát múa chầu văn.

Ông Đinh Công Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương phát biểu khai mạc chương trình.
Tham dự chương trình thực hành nghi lễ và hát chầu văn tại Đền Trần Thương năm nay có 28 đoàn và các nghệ nhân, thanh đồng đạo quan đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngay sau lễ khai mạc, các đoàn đã tham gia thực hành nghi lễ và hát chầu văn. Với sự kết hợp ăn í, các nghệ nhân, thanh đồng đã thể hiện những giá đồng đặc sắc với giai điệu hát văn cùng các màn diễn xướng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Thanh đồng loan giá
Ông Đinh Công Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương trao Giấy chứng nhận tham gia chương trình cho Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam trao Giấy chứng nhận cho thanh đồng tham gia chương trình.
Đây là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ Lễ hội Đền Trần Thương. Thông qua chương tình giúp du khách thập phương đến với Lý Nhân - Hà Nam không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính của di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương mà còn đắm mình trong các làn điệu hát và diễn xướng chầu văn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa; giới thiệu quảng bá công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng Đền Trần Thương với nhân dân và du khách thập phương; đem đến cho nhân dân cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về các nghi thức trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc, góp phần đẩy lùi những quan niệm lệch lạc về tín ngưỡng dân gian. Đây cũng là sân chơi, là cơ hội để các thanh đồng, đạo quan trong cả nước có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau; tăng cường tinh thần đoàn kết, góp phần bảo tồn phát huy hơn nữa giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ mẫu được lưu truyền trong dân gian.
Chương trình thực hành nghi lễ và hát Chầu văn tại đền Trần Thương sẽ diễn ra trong 02 ngày 18-19/9/2024 (tức ngày 16-17/8 Giáp Thìn).
Câu lạc bộ Đạo Mẫu Đền Trần Thương Hà Nam ra mắt tại chương trình.
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ Đạo Mẫu Đền Trần Thương Hà Nam do thanh đồng Phạm Hải Hưng - Thủ nhang đền Trần Thương làm chủ nhiệm./.