Sáng 18/9, Ban Quản lý di tích Lịch sử Văn hóa Đình Vĩnh Trụ tổ chức lễ khánh thành công trình Kè đá ao đình và các hạng mục công trình trong khuôn viên khu di tích lịch sử văn hóa Đình Vĩnh Trụ. Dự buổi lễ có đồng chí Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Nam; cùng dự buổi lễ còn có các đại biểu là Trưởng, Phó các phòng ban, lãnh đạo các địa phương trong huyện, cùng đông đảo nhân dân, khách thập phương trong và ngoài tỉnh.
Toàn cảnh buổi Lễ Khánh thành công trình Kè đá ao Đình và các hạng mục trong khuôn viên khu di tích Lịc sử Văn hóa Đình Vĩnh Trụ. Ảnh: Minh Châu
Theo Thần phả ghi lại, Đình làng Vĩnh Trụ phụng thờ hai vị đại thần Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại vương đã có công dựng nước và giữ nước dưới triều nhà Lý thế kỷ thứ XII, là một công trình kiến trúc với nghệ thuật trạm khắc độc đáo. Đình có dấu tích lịch sử khởi nguyên cách đây 888 năm, tức là từ thời vua Lý Thần Tông, niên hiệu là Lý Thiện Thuận (1128 - 1138). Ngôi đình được nhân dân xây dựng năm 1818, tròn cách đây 200 năm (tức năm Mậu Dần) thời Hoàng triều Gia Long năm thứ XVII. Với những giá trị văn hóa còn lưu giữ được, năm 1993, Đình Vĩnh Trụ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia. Thể theo nguyện vọng của của dân làng và con em quê hương đang sinh sống, công tác trên mọi miền tổ quốc, năm 2021, nhân dân địa phương đã tổ chức khởi công, trùng tu, tôn tạo công trình kè đá ao đình và các hạng mục công trình trong khuôn viên khu di tích Lịch sử Văn hóa Đình Vĩnh Trụ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân đóng góp và sự ủng hộ của những người con xa quê với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chín Hiệp - Huyện ủy viên - Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Trụ phát biểu tại Lễ khánh thành. Ảnh: Minh Châu
Ông Nguyễn Duy Hiển - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ - Trưởng BQL di tích Lịch sử Văn hóa Đình Vĩnh Trụ báo cáo kết quả xây dựng công trình. Ảnh: Minh Châu
Sau hơn 1 năm trùng tu, tôn tạo, công trình kè đá ao đình và các hạng mục công trình trong khuôn viên khu di tích được nâng cấp, sửa chữa khang trang theo đúng nét văn hóa truyền thống lịch sử. Việc trùng tu, tôn tạo đình làng không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân trong làng có nơi thờ cúng, tưởng niệm các vị tiền hiền có công khai làng mở xóm mà còn là địa chỉ vàng giáo dục truyền thống quê hương cho con cháu mai sau.