Thông tin liên hệ

Giới thiệu             Liên hệ             Đăng nhập   
LOGO

Phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2025 UBND tỉnh Ninh Bình

Thứ ba - 08/07/2025 13:15 329 0
     Sáng ngày 08/7/2025, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 129 xã, phường trong toàn tỉnh.
       Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
     Dự hội nghị tại điểm cầu 7 xã: Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Nam Xang, Bắc Lý, Trần Thương, Nhân Hà, Nam Lý có các đồng chí Thường trực Đảng uỷ, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Trưởng các phòng chuyên môn của xã.
 
Các đại biểu xã Vĩnh Trụ tham gia hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Văn Vương
 
Các đại biểu dự tại điểm cầu xã Lý Nhân. Ảnh: Vân Sơn
 
Đại biểu dự tại điểm cầu xã Nam Xang. Ảnh: Vân Sơn

     Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025; báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thuộc lĩnh vực nội vụ; việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch 02-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
     Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng đề án hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình lấy tên và tỉnh Ninh Bình; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,82%, đứng thứ 4/34 tỉnh, thành phố cả nước. Công nghiệp, thương mại - dịch vụ có bước phát triển mới. Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm. Cả 3 tỉnh cũ gồm Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tổ chức tốt nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế, các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa toàn cầu, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, mở rộng. Công tác cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, tập trung chỉ đạo. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
     Bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp được đưa vào vận hành cơ bản ổn định, thông suốt, bảo đảm phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn; công tác số hoá chưa quyết liệt; …
     Cũng tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số xã, phường của tỉnh cũng báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến nay, trong đó tập trung đánh giá những khó khăn, tồn tại đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
     Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định: 6 tháng đầu năm, tỉnh Ninh Bình mới nói chung và 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định trước khi sáp nhập đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng chí Tổng Bí thư đã gợi mở, giao nhiệm vụ và kỳ vọng cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình mới với sức mạnh nội tại và tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa sẽ tổ chức, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tạo đột phá cho giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã chủ động, đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, đột xuất phát sinh với yêu cầu tiến độ ngày càng gấp hơn, nhanh hơn so với dự kiến nhưng đều đã hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm lớn đã đề ra.
     Ngay trong những tuần đầu vận hành hệ thống bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động liên tục, thông suốt đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh để duy trì phục vụ các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Điều này tạo nên sự ổn định xã hội, niềm tin của Nhân dân, đây là kết quả rất lớn tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tiếp theo.
     Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy, hoàn thành tất cả các quy định liên quan, phân công, phân nhiệm, bố trí sắp xếp tất cả các vị trí việc làm của các cơ quan Nhà nước. Tiếp tục rà soát bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện việc làm cho cán bộ, công chức trên cơ sở điều kiện hiện trạng, bảo đảm phương tiện đi lại cho cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phù hợp với thực tiễn yêu cầu đề ra nhưng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách đảm bảo tính ưu việt, đúng pháp luật hiện hành với phương châm đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu. Các sở, ngành trong tỉnh tập trung rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể từ nay đến cuối năm đảm bảo hoàn thành tốc độ tăng trưởng 2 con số theo chỉ đạo của Chính phủ, không được để gián đoạn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân do sáp nhập. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu các văn bản để hướng dẫn kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự 2 cấp chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
     Đối với các xã, tiếp tục đảm bảo chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, rà soát biên chế, đánh giá lại số lượng công chức, người lao động đang làm việc tại UBND cấp xã, phường đảm bảo đúng, đủ số lượng. Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, giải quyết thỏa đáng các ý kiến, nguyện vọng của người dân ở địa phương. Từ đó đảm bảo an ninh trật tự, chính trị nội bộ, tạo sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân./.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai - TT Văn hoá, Thông tin và Thể thao

Nguồn tin: lynhan.hanamtv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây