Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Năm 2022, nhiệm vụ PCTT&TKCN được các cấp, các ngành của huyện quan tâm phối hợp thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng chuẩn bị nguồn vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng khi có sự cố xảy ra. Hệ thống công trình phòng chống thiên tai tiếp tục được đầu tư tu bổ, nâng cấp. Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Toàn huyện đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa, tu bổ, nạo vét nhiều hạng mục công trình trên các kênh chính phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng. Nhờ đó, sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2022 đã giành được nhiều thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ chuyển đổi theo hướng tích cực, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Công tác điều tra, dự tính dự báo các đối tượng sâu bệnh hại được phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ kịp thời do vậy các đối tượng sâu bệnh gây hại trên đồng ruộng không gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Năng suất lúa bình quân đạt 57,5 tạ/ ha, sản lượng đạt trên 32.000 tấn. Tổng diện tích cây màu vụ Mùa và vụ Đông đạt trên 5.000 ha.

Đồng chí Trần Khánh Long - Phó chủ tịch UBND xã Phúc phúc phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ hơn những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại về công tác PCTT&TKCN và sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2022 và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về phòng chống thiên tai; vận hành hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai; Giải pháp chỉ đạo sản xuất vụ Mùa, vụ Đông đạt hiệu quả cao, …
Đồng chí Đỗ Thị Thu Hoà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Để chủ động trong công tác PCTT&TKCN, mục tiêu công tác năm 2023 của huyện là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính, kiên quyết bảo vệ đê điều khi lũ chưa vượt qua lũ lịch sử, không để xảy ra mất mùa do hạn hán hoặc ngập úng khi mưa, lũ, bão chưa vượt quá khả năng của công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Vụ mùa năm 2023, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 5.500 ha lúa mùa và 1.550 ha cây màu, trước mắt là tập trung phòng bệnh cho lúa xuân từ nay đến cuối vụ. Khi lúa đến kì thu hoạch, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn để khẩn trương làm đất phục vụ sản xuất vụ mùa. Vụ Đông năm 2023- 2024, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 3.310 ha cây các loại, trong đó trên đất 2 lúa là 1.500 ha.
Đồng chí Lê Đức Nhượng - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Đức Nhượng - Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao công tác PCTT&TKCN và công tác sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2022, đồng thời chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại như: tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai tại một số địa phương; việc xử lý vi phạm đê điều còn chưa triệt để; một số tuyến đê chưa làm tốt việc phát quang, giải tỏa;… Để thực hiện tốt nhiệm vụ về PCTT&TKCN và sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các ngành, các địa phương cần xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đồng thời chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về PCTT, trong đó tập trung tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT trong chính quyền các cấp, đoàn thể, phòng ban, lực lượng xung kích cấp xã và cộng đồng dân cư. Quan tâm đánh giá hiện trạng hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi, kiểm tra thực tiễn các trọng điểm xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng vật tư phương tiện để ứng phó. Kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố công trình theo phương châm 4 tại chỗ, “xử lý giờ đầu”. Theo dõi diễn biến của thời tiết, tình hình thiên tai để có những dự báo kịp thời, chính xác. Chủ động khắc phục ngay những tồn tại hạn chế trong sản xuất nông nghiệp. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT& TKCN, xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án PCTT&TKCN sát với thục tế của địa phương và đảm bảo tính khả thi.Tăng cường, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật đê điều, Luật thuỷ lợi./.